VÀI NÉT VỀ CHÚNG TÔI

ĐỜI TẬN HIẾN CỦA CHÚNG TÔI

Đáp lại tiếng Chúa mời gọi, các thành viên của Tu hội muốn sống Tin Mừng cách trọn vẹn hơn nữa qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm. Việc tuyên khấn này là kết quả của một quyết định tự do, được suy xét chín chắn và dứt khoát. Đó là một dấu chỉ giao ước với Thiên Chúa, của sự sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa của con người. Lời tuyên hứa được cử hành trước Giáo hội và được thể hiện bằng lời tuyên khấn công khai.

Sống tận hiến trong một tu hội đời cũng giống như trong một dòng tu – về giá trị lẫn nội dung – bởi vì nó quy chiếu vào Thiên Chúa. Đồng thời, nó hoàn toàn khác về thể thức thực hiện bởi vì nó thuộc phạm vi của thực tế thế tục. Tuy nhiên, việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm không hề dễ dàng hơn và đòi hỏi tính trách nhiệm liên tục đối với các lựa chọn cá nhân.
SỐNG LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

Đức Vâng phục.
Đức này giữ một vị trí đặc biệt trong số các lời khuyên Phúc âm bởi vì, qua việc hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa, nó chứa đựng trong mình hai lời khuyên kia. Vâng phục là bắt chước Đức Kitô vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Nó đòi hỏi nơi người nữ giáo dân thánh hiến khả năng phân định ý Chúa trong những tình huống thường là bất cập trong cuộc sống, và sự sẵn sàng tham gia đối thoại với các vị Phụ trách. Đức vâng phục được thực hiện một cách trung thực và can đảm là nguồn mạch của sự cân bằng và tự do nội tâm.
« Ðức vâng lời của các con nói cho thế gian biết rằng, chúng ta có thể được hạnh phúc không vì nhờ chọn lựa cho mình chỗ đứng tiện lợi, nhưng vì sẵn sàng hoàn toàn thực thi Ý Chúa được thể hiện, qua cuộc sống hằng ngày, qua những dấu hiệu của thời đại và qua nhu cầu cứu rỗi thế giới ngày nay. »
(Thánh Phaolo VI, Huấn từ cho các vị Tổng quyền Phụ trách Tu hội Ðời, tháng 9.1972)

Đức Khiết tịnh.
Bằng lời khấn này, các thành viên của Tu hội, đáp trả cách tự do tiếng gọi của Thiên Chúa, tuyên hứa trao ban hoàn toàn cho Ngài cuộc đời mình. Là dấu chỉ hữu hình của Nước Trời, nó công bố một niềm hy vọng tìm thấy sự hoàn tất của nó trong cuộc sống mai sau. Nó chứng thực cho tính chất nhất thời của cuộc sống trần thế và nêu bật tính cao cả của nhân vị đã được Thiên Chúa tạo dựng và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc trên thập giá. Đức Khiết tịnh đòi hỏi các thành viên phải biết biến sự cô độc của mình trở thành sự khai mở với người khác.
«Ðời sống khiết tịnh của các con nói lên cho thế gian rằng, ngưới ta có thế yêu thương bằng một tình yêu vô vị lợi và triệt để xuất phát từ thánh tâm của Chúa, và người ta có thể tận hiến yêu thương cách vui tươi với mọi người mà không vướng bén với bất cứ ai, đặc biệt là chú tâm đến những người bị bỏ rơi nhất.»
(Thánh Phaolo VI, Huấn từ cho các vị Tổng quyền Phụ trách Tu hội Ðời, tháng 9.1972)

Đức Khó nghèo. Bằng lời khấn khó nghèo, các thành viên của Tu hội hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa những gì mình có và tuyên hứa theo gương Đức Kitô là Đấng, vốn phú quý cao sang, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta. Tuy vẫn giữ quyền sở hữu tài sản riêng, các nữ giáo dân sống đời thánh hiến phải là người quản lý tài sản của mình mà thôi và tuyên hứa đặt mình dưới sự quản lý của các vị Phụ trách trong Tu hội. Đức Nghèo khó dẫn đến việc coi những thực tại trần thế như là quà tặng của Thiên Chúa. Trong cuộc sống thế tục, người ta phải học cách sử dụng của cải của mình nhưng không để chúng trói buộc mà sử dụng chúng nhằm phục vụ người khác trong khả năng nhiều nhất có thể.
« Ðời sống khó nghèo của chúng con nói lên cho thế giới biết rằng người ta có thể sống giữa những của cải vật chất và có thể sử dụng những phương tiện của xã hội tân tiến mà không vì thế trở thành nô lệ nó ».
(Thánh Phaolo VI, Huấn từ cho các vị Tổng quyền Phụ trách Tu hội Ðời, tháng 9.1972)